Trang chủ » Kinh doanh » Bất động sản
04/09/2019 08:51

Chuyên gia lý giải sự xuất hiện của tam giác bão-áp thấp nhiệt đới hiếm gặp

Tam giác bão-áp thấp nhiệt đới xuất hiện cùng lúc là rất hiếm gặp, gây ảnh hưởng xấu cho thời tiết và khó khăn cho công tác dự báo.

Sự kiện:

Áp thấp nhiệt đới

Chuyên gia lý giải sự xuất hiện của tam giác bão-áp thấp nhiệt đới hiếm gặp - 1

Ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia).

Mới đây, một tổ hợp thiên tai bất thường gồm bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện gây ảnh hưởng đến vùng biển và đất liền nước ta. Hai áp thấp nhiệt đới hoạt động ở Biển Đông cùng cơn bão Lingling ngoài khơi Thái Bình Dương đã tạo thành một tam giác xoáy thuận nhiệt đới khá hiếm gặp

Lý giải về sự xuất hiện nhiều áp thấp nhiệt đới và bão trong cùng một thời gian, ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay đang là thời gian cao điểm của mùa bão trên khu vực Biển Đông.

“Dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh, cùng với nhiệt độ mặt nước biển cao phổ biến trên 30 độ C. Trên dải hội tụ nhiệt đới có khả năng hình thành nhiều vùng xoáy khác nhau và sau đó có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và bão”, ông Lâm chia sẻ.

Chuyên gia lý giải sự xuất hiện của tam giác bão-áp thấp nhiệt đới hiếm gặp - 2

Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của áp thấp nhiệt đới Kajiki. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVQG.

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng cho hay, trường hợp xuất hiện đồng thời hai áp thấp nhiệt đới và bão cùng tương tác với nhau như vừa qua là hiếm gặp.

Cấu trúc mây của hai cơn áp thấp nhiệt đới khá rời rạc, cường độ yếu nên khó dự báo hướng di chuyển. Những áp thấp nhiệt đới dạng này, các mô hình khí quyển chỉ có thể đưa ra nhận định 24 giờ, còn sau 24 giờ phân tán nhiều.

Ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết thêm, tam giác bão-áp thấp nhiệt đới cùng tồn tại vừa qua có sự tương tác lẫn nhau.

Áp thấp nhiệt đới Kajiki sau khi đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế đã quay ngược trở lại ra biển. Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới ở khu vực giữa Biển Đông sẽ suy yếu dần và khi tương tác với Kajiki sẽ bị hút vào áp thấp nhiệt đới này.

“Kajiki sau khi hút vùng áp thấp trên Biển Đông cũng sẽ bị cơn bão Lingling ngoài khơi Thái Bình Dương hút ra. Do đó, áp thấp nhiệt đới này di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Bắc và đi ra phía ngoài khơi xa, không có khả năng quay lại đất liền nước ta”, ông Hưởng cho hay.

Chuyên gia lý giải sự xuất hiện của tam giác bão-áp thấp nhiệt đới hiếm gặp - 3

Ảnh vệ tinh của cơn bão Lingling ngoài khơi Thái Bình Dương. Ảnh NOAA.

Về cơn áp thấp nhiệt đới Kajiki, ông Hưởng cho rằng nó rất dị thường. Sau khi hình thành ngoài khơi Thái Bình Dương, nó đi thẳng vào Biển Đông và đổ bộ đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế. Do thời gian tồn tại trên đất liền lâu nên Kajiki đã gây mưa to đến rất to cho các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế.

Sau khi đi vào đất liền, Kajiki quay ngược ra biển và dịch chuyển lên phía Bắc tạo thành một nút thắt và nút thắt đó chính là vùng biển Việt Nam. Áp thấp nhiệt đới có thể gây sóng biển mạnh nguy hiểm cho các tàu thuyền hoạt động.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên trong ngày và đêm nay (4/9), ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/24 giờ); riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to (100-200mm/24 giờ). Ở Tây Nguyên mưa vừa, có nơi mưa to (50-80mm/24h).

Trong ngày và đêm mai (5/9), ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa thiên Huế và Tây Nguyên có mưa, mưa vừa; riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to (50-100mm/24 giờ)

Từ ngày 6/9 mưa lớn giảm nhanh ở Trung Bộ.

 Vụ cháy Công ty Rạng Đông
Tin Liên Quan
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM